Sử dụng các trung tâm trọng tài thương mại đã và đang là xu hướng của các hợp đồng thương mại trên thế giới, của các tập đoàn kinh tế lớn.
Các hoạt động thương mại, trao đổi, hợp tác kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc đang ngày càng phát triển cả chiều sâu và rộng trên mọi lĩnh vực. Bất chấp dịch bệnh, kim ngạch xuất khẩu và giao thương vẫn luôn ở mức 200 tỷ USD, và như vậy các phát sinh trong quá trình hoạt động sẽ là việc khó tránh khỏi.
Nhằm chuẩn bị cho các tình huống tranh chấp thương mại, các vẫn đề có thể phát sinh không mong muốn, Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế Việt - Trung (VCITAC) đã triển khai Chương trình "Lễ Công nhận Trọng tài viên VCITAC và Tập huấn Kỹ năng Trọng tài viên" vào ngày 8-9/10/2022 tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây, Tiến sĩ, luật sư Hoàng Ngọc Giao được bầu làm Chủ tịch VCITAC thay cho ông Bùi Trung Kiên.
Tại hội nghị, các vẫn đề về pháp lý thương mại hiện hành ở Việt Nam và Trung Quốc đã được Ban giảng huấn nêu rõ và các tình huống giả lập đã được nêu ra, các Trọng tài viên được tiếp cận cụ thể và thực hành xử lý nhiều tình huống, dưới sự hướng dẫn của các thành viên có kinh nghiệp lâu năm ở vai trò luật sư, thẩm phán, chuyên gia truyền thông… của hai bên.
Luật sư Hoàng Ngọc Giao
Hoạt động thương mại của Việt Nam và Trung Quốc được đánh giá là hoạt động truyền thống và ngày càng phát triển mạnh mẽ, năm sau luôn cao hơn năm trước. Một phần do tính đặc thù về vị trí có cùng đường biên giới giáp nhau, một phần do nhu cầu trao đổi, hợp tác giữa các doanh nghiệp của hai nước.
Theo những số liệu được công bố, hoạt động thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến về chất và lượng. Hiện tại, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới sau các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Australia.
Với số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch hai chiều lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 tỷ USD, đạt 230,2 tỷ USD, tăng 19,7% so năm trước nếu tính theo đồng USD và 12% khi tính bằng đồng nhân dân tệ (NDT). Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc khẳng định, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh mẽ dù dịch bệnh Covid-19 và những khó khăn, trở ngại trong kiểm soát dịch bệnh giữa hai nước, nền kinh tế thế giới chưa thực sự phục hồi, chuỗi sản xuất của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, nhu cầu về tiêu dùng của thị trường Trung Quốc giảm so với các năm trước…
Xu hướng sử dụng các trung tâm trọng tài thương mại đã và đang là xu hướng của các hợp đồng thương mại trên thế giới, của các tập đoàn kinh tế lớn. VCITAC với sự tham gia các nhiều chuyên gia, luật sư giàu kinh nghiêm sẽ là địa chỉ tin cậy cho doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc trong quá trình giao thương.
"Việc "va vấp" là chuyện khó tránh khỏi nhưng thái độ và cách giải quyết để vấn đề được các Trọng tài viên làm trung gian phân tích, phán quyết thỏa đáng, trên tinh thần hợp tác, đoàn kết, bảo mật, giảm thiểu thiệt hại cho cả hai bên luôn là ưu tiên hàng đầu của cả doanh nghiệp và của VCITAC" – TS.LS Hoàng Ngọc Giao cho biết.
Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế Việt - Trung (VCITAC) là tổ chức phi chính phủ, có chức năng giải quyết các tranh chấp thương mại bằng trọng tài và hòa giải thương mại theo quy định của pháp luật. Được thành lập theo quyết định số 33/BTP/GP của Bộ Tư pháp vào ngày 26 tháng 4 năm 2021, với tư cách là một tổ chức độc lập, mục tiêu của VCITAC là thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết hiệu quả các tranh chấp thương mại trong nước và quốc tế.
Hiện tại, VCITAC có 19 Trọng tài viên là các luật sư, chuyên gia Trung Quốc và Việt Nam có 36 thành viên. Đội ngũ Trọng tài viên, Hòa giải viên của VCITAC là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật và kinh tế và được đào tạo chuyên sâu về giải quyết tranh chấp. Đồng thời, quy trình tố tụng tại VCITAC bảo đảm đem lại tính hiệu quả, khách quan, chính xác và sự tuyệt đối bí mật thương mại của các bên tranh chấp.